Khái niệm Công nghiệp 4.0 hay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đầu tiên được sử dụng bởi một nhóm chuyên gia ở Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011 (Kagermann, Lukas, & Wahlster, 2011). Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra không những ở các nước phát triển như Đức, Mỹ và các nước Tây Âu, mà còn lan rộng đến các nước ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan Ấn Độ, Việt Nam... Cuộc cách mạng này đã và đang mang lại cho các quốc gia nhiều thời cơ và thách thức. Điều quan trọng là các quốc gia nên nắm bắt và vận dụng các cơ hội này như thế nào? Đối mặt với những thử thách ra sao? Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một trong sáu giải pháp mà Thủ tướng đã nêu ra là “Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (Thủ tướng Chính phủ, 2017). Việc triển khai các giải pháp và các nhiệm vụ của Chỉ thị đã được các Bộ, tỉnh, thành phố và các đơn vị trong cả nước nghiêm túc thực hiện. Trong môi trường thông tin - thư viện, chúng ta sẽ thực thi giải pháp này như thế nào? Bằng cách tổng hợp các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nội dung bài viết sẽ trình bày về khái niệm, môi trường, đặc điểm của cách mạng công nghiệp 4.0 và phân tích vai trò của thư viện và cán bộ thư viện trong cuộc cách mạng. Các nội dung kể trên không nằm ngoài mục đích giúp nâng cao nhận thức của cán bộ thư viện - người đang giữ vai trò là cầu nối góp phần làm tăng khả năng tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 của cộng đồng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên