Đăng nhập
 
Tìm kiếm nâng cao
 
Tên bài báo
Tác giả
Năm xuất bản
Tóm tắt
Lĩnh vực
Phân loại
Số tạp chí
 

Bản tin định kỳ
Báo cáo thường niên
Tạp chí khoa học ĐHCT
Tạp chí tiếng anh ĐHCT
Tạp chí trong nước
Tạp chí quốc tế
Kỷ yếu HN trong nước
Kỷ yếu HN quốc tế
Book chapter
Bài báo - Tạp chí

(Ban hành kèm theo Quyết định số 129/QĐ-ĐHCT ngày 22 tháng 1 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ)

Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, tôn chỉ và mục đích
1. Tên gọi
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Tạp chí) hoạt động theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Giấy phép hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Tên gọi của Tạp chí như sau:
- Tạp chí khoa học phiên bản tiếng Việt: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ; ISSN: 1859-2333.
- Tạp chí khoa học phiên bản tiếng Anh: Can Tho University Journal of Science; ISSN: 2615-9422.
2. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Tạp chí
- Thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học của Trường.
- Giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nhằm góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
- Trao đổi thông tin khoa học công nghệ với các đơn vị liên quan để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Điều 2. Lĩnh vực xuất bản
Tạp chí công bố các công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như: Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và Môi trường; Nông nghiệp, Thủy sản và Công nghệ Sinh học; Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục; Kinh tế và Pháp luật.

Điều 3. Đối tượng gửi bài
1. Tạp chí nhận bài gửi đăng của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ và các trường, viện trong và ngoài nước.
2. Bài đăng Tạp chí là kết quả của các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học, chưa từng được công bố trước đây.

Điều 4. Bài viết gửi đăng Tạp chí
Tạp chí nhận bài viết gửi đăng thuộc một trong các loại sau đây:
1. Bài báo cáo khoa học (research article) phải gồm các phần: (1) Tựa bài viết, tên tác giả (hay nhóm tác giả), địa chỉ các tác giả, địa chỉ email của tác giả chịu trách nhiệm chính; (2) tóm tắt bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh; (3) giới thiệu bài viết; (4) vật liệu và phương pháp nghiên cứu; (5) kết quả; (6) thảo luận (có thể kết hợp giữa kết quả và thảo luận); (7) kết luận; (8) lời cảm tạ (nếu có); và (9) tài liệu tham khảo.
2. Bài tổng quan (review article) phải gồm các phần: (1) Tựa bài viết, tên tác giả (hay nhóm tác giả), địa chỉ các tác giả, địa chỉ email của tác giả chịu trách nhiệm chính; (2) tóm tắt bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh; (3) giới thiệu bài viết; (4) nội dung bài viết; (5) lời cảm tạ (nếu có); (6) tài liệu tham khảo.
Bài viết trình bày trên trang khổ A4 (Margins: top/bottom/left/right = 2.5 cm), kiểu chữ Times New Roman, kích thước 11; không quá 20 trang.

Điều 5. Điều kiện bài viết được đăng trên Tạp chí
Bài viết được đăng khi đạt các điều kiện sau đây:
1. Có nội dung liên quan đến một trong các lĩnh vực của Tạp chí.
2. Được chấp nhận bởi các thẩm định (phản biện) độc lập.
3. Hoàn thành việc chỉnh sửa bài viết theo góp ý của Hội đồng biên tập, được Hội đồng biên tập chấp nhận cho đăng.

Điều 6. Bản quyền, bản thảo
1. Tác giả chịu trách nhiệm về nội dung bài viết gửi đăng Tạp chí. Việc sử dụng nội dung bài báo và tài liệu của các tác giả khác phải được trích dẫn trong bài viết.
2. Tạp chí không đăng hoặc đình chỉ việc phát hành đối với các bài viết không phải do chính nhóm tác giả viết hoặc bài viết là tập hợp một phần hoặc toàn bộ bài viết của tác giả khác.
3. Bản quyền bài báo là của Tạp chí; mọi sự sao chép, in lại dưới mọi hình thức đều phải được sự chấp thuận của Tạp chí.

Điều 7. Xuất bản và nộp lưu chiểu
1. Tạp chí được xuất bản theo Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
2. Tạp chí xuất bản bản in và bản điện tử trên website của Tạp chí.
3. Nộp lưu chiểu theo quy định của pháp luật.

Chương II: QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA VÀO HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN TẠP CHÍ

Điều 8. Quyền hạn và nhiệm vụ của Trường Đại học Cần Thơ
1. Cơ quan chủ quản của Tạp chí hiệp thương với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương việc bổ nhiệm Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập.
2. Ban hành Quy định hoạt động xuất bản Tạp chí; quyết định thành lập Hội đồng Biên tập, Ban Biên tập, Ban trị sự; quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn, Thư ký Hội đồng Biên tập, Trưởng tiểu ban chuyên môn của Tạp chí.
3. Cấp kinh phí cho hoạt động của Tạp chí theo nguồn lực của Trường dựa trên các quy chế, quy định hiện hành.
4. Chi thù lao và các chế độ khác cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản Tạp chí theo các quy định của Trường Đại học Cần Thơ.

Điều 9. Cơ cấu tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Biên tập
1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Biên tập
- Hội đồng Biên tập gồm có Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Hội đồng Biên tập, Thư ký Tòa soạn và các thành viên là những nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong và ngoài nước được lựa chọn, mời tham gia vào Hội đồng. Hội đồng Biên tập do Hiệu trưởng ra quyết định thành lập.
- Hội đồng Biên tập họp thường kỳ 01 lần/năm hoặc họp bất thường do Tổng Biên tập triệu tập.
2. Quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Biên tập
- Tư vấn về mặt khoa học cho Trường Đại học Cần Thơ nhằm nâng cao chất lượng khoa học của bài báo được đăng Tạp chí.
- Tham gia vào quy trình thẩm định bài viết gửi đăng Tạp chí.

Điều 10. Quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Biên tập
1. Quản lý chung hoạt động xuất bản Tạp chí.
2. Định hướng phát triển Tạp chí phù hợp với tôn chỉ và mục đích hoạt động.
3. Duyệt cho đăng bài viết sau khi hoàn thành các bước của quy trình xuất bản.
4. Thực thi quyền hạn và nhiệm vụ khác theo Luật báo chí và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Cần Thơ.

Điều 11. Quyền hạn và nhiệm vụ của Phó Tổng Biên tập
1. Giúp Tổng Biên tập thực hiện các công việc chuyên môn được phân công và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
2. Thực thi quyền hạn và nhiệm vụ khác theo Luật báo chí và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Cần Thơ.

Điều 12. Quyền hạn và nhiệm vụ của Trưởng tiểu ban chuyên môn
1. Là thành viên của Hội đồng Biên tập, phụ trách chuyên môn một hoặc một số lĩnh vực của Tạp chí.
2. Giới thiệu người thẩm định có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực của bài viết.
3. Duyệt bài viết trước khi mời thẩm định và sau khi thẩm định kết thúc.

Điều 13. Quyền hạn và nhiệm vụ của Thư ký Tòa soạn
1. Xây dựng kế hoạch xuất bản hàng năm và từng số Tạp chí.
2. Quản lý quá trình thẩm định bài viết gửi đăng Tạp chí.
3. Trình Tổng Biên tập duyệt bài viết từng số Tạp chí trước khi xuất bản.
4. Giúp Tổng Biên tập xây dựng các chính sách, quy định, quy chế cho hoạt động của Tạp chí.
5. Thay mặt Tổng Biên tập điều hành các hoạt động của Tòa soạn Tạp chí.

Điều 14. Vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của người thẩm định
1. Người thẩm định là nhà khoa học trong và ngoài Trường, có uy tín, có nhiều công trình được công bố, có cùng chuyên môn hoặc gần chuyên môn với nội dung bài viết, có khả năng đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu.
2. Quyền hạn và nhiệm vụ
- Đánh giá nội dung khoa học của bài viết một cách khách quan, trung thực.
- Hoàn thành công việc thẩm định theo đúng thời gian quy định của Tạp chí.
- Có quyền ý kiến đóng góp cho Hội đồng Biên tập hoặc/và Ban Biên tập về nội dung bài viết, chất lượng bài viết hoặc các vấn đề khác.

Điều 15. Quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Biên tập
1. Tiếp nhận/từ chối bài viết của tác giả gửi đăng Tạp chí.
2. Gửi thẩm định bài viết theo đề xuất của Trưởng tiểu ban chuyên môn.
3. Theo dõi quá trình thẩm định bài viết.
4. Giải đáp những thắc mắc liên quan đến hoạt động xuất bản của Tạp chí.
5. Tổ chức biên tập nội dung và biên tập kỹ thuật bản thảo.
6. Trình Hội đồng biên tập duyệt bản thảo trước khi xuất bản.
7. Tổ chức in ấn, phát hành, nộp lưu chiểu.
8. Công bố bài báo được xuất bản lên website của Tạp chí.
9. Đăng ký mã số DOI cho bài báo theo định kỳ.

Điều 16. Quyền hạn và trách nhiệm của tác giả
1. Gửi đăng bài viết chưa từng được công bố trước đó. Tác giả không gửi bài viết trên các tạp chí khác khi chưa có quyết định xét duyệt của Tổng Biên tập Tạp chí; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng bài trùng lặp với tạp chí khác (nếu có).
2. Gửi bài đăng đúng quy định và hướng dẫn của Tạp chí.
3. Sửa bài viết theo yêu cầu của người thẩm định và Hội đồng Biên tập. Trong quá trình chỉnh sửa bài viết, nếu chưa đồng ý với ý kiến người thẩm định, tác giả có thể giải trình để Hồi đồng Biên tập xem xét.
4. Được duyệt đăng không quá 01 (một) bài/số trong trường hợp tác giả đứng tên đầu trong bài viết; không quá 03 (ba) bài đối với tác giả đứng tên bất cứ vị trí nào trong bài viết. Tác giả liên hệ chịu trách nhiệm về thứ tự các tác giả của bài viết.
5. Nộp lệ phí đăng bài theo quy định hiện hành.

Chương III: QUY TRÌNH XÉT DUYỆT BÀI GỬI ĐĂNG TẠP CHÍ VÀ LỆ PHÍ NỘP BÀI

Điều 17. Quy trình thẩm định và xuất bản
Bài viết gửi đăng được thẩm định trực tuyến thông qua quy trình sau đây:
Bước 1. Ban Biên tập nhận bài viết, tiến hành kiểm tra bài viết theo thể lệ của Tạp chí. Tiếp nhận hoặc từ chối bài viết và gửi thư điện tử thông báo đến tác giả.
Bước 2. Bài đạt yêu cầu ở Bước 1 sẽ được Ban Biên tập gửi email thông báo cho tác giả yêu cầu nộp lệ phí qua tài khoản đã đăng ký. Khi tác giả nộp lệ phí chuyển sang Bước 3.
Bước 3. Ban Biên tập gửi thông tin bài viết đến Trưởng tiểu ban chuyên môn xin ý kiến giới thiệu người thẩm định.
Bước 4. Trưởng tiểu ban giới thiệu người thẩm định cho bài viết.
Bước 5. Ban Biên tập mời người thẩm định bài viết theo giới thiệu của Trưởng tiểu ban chuyên môn. Nếu người thẩm định không nhận lời thẩm định, bài viết được chuyển về Bước 3.
Bước 6. Người thẩm định gửi kết quả thẩm định qua hệ thống.
Bước 7. Ban Biên tập nhận kết quả thẩm định và chuyển đến tác giả để chỉnh sửa bài viết theo góp ý của người thẩm định; quá trình lặp lại cho đến khi người thẩm định đồng ý hoặc từ chối bài viết.
Bước 8. Trưởng tiểu ban chuyên môn xem xét, duyệt thông qua hoặc từ chối bài viết. Kết quả thẩm định được gửi đến tác giả qua email.
Bước 9. Nếu bài viết được đồng ý (thông qua) ở Bước 8, Ban Biên tập tiến hành biên tập và trình Tổng Biên tập phê duyệt.
Bước 10. Bài viết được Tổng Biên tập duyệt chấp nhận đăng sẽ được chuyển lên website ở dạng bài báo được chấp nhận, chờ xuất bản. Thời gian xuất bản bài báo tùy vào số lượng bài nộp của Tạp chí, được sắp xếp theo trình tự thời gian bài viết gửi đến Tạp chí.
Bước 11. Xuất bản và công bố chính thức trên website Tạp chí.

Điều 18. Lệ phí nộp bài
1. Lệ phí nộp bài viết tiếng Việt là 1.000.000 đồng/bài; bài viết tiếng Anh là 1.500.000 đồng/bài hoặc 65 USD/bài.
2. Thời gian nộp lệ phí: sau khi bài viết gửi đến Tạp chí (qua hệ thống trực tuyến) và được thông báo bài viết đúng thể lệ.
3. Lệ phí không được hoàn trả lại kể cả khi bài viết bị từ chối hoặc tác giả xin rút bài viết.

Chương IV: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Khen thưởng
Các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động xuất bản Tạp chí được khen thưởng theo quy định hiện hành của Trường Đại học Cần Thơ.

Điều 20. Xử lý vi phạm
1. Tác giả vi phạm bản quyền hoặc gửi đăng bài viết đã được công bố sẽ không được gửi bài để đăng trên Tạp chí trong thời gian 01 năm kể từ khi phát hiện vi phạm; chịu xử lý theo quy định của Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật.
2. Các cá nhân vi phạm Quy định hoạt động xuất bản Tạp chí thì tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Trường Đại học Cần Thơ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Điều khoản thi hành
1. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất bản Tạp chí. Các quy định trước đây về hoạt động xuất bản Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ đều không còn giá trị.
2. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện những điều không hợp lý, Tòa soạn Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ tham mưu, đề xuất Ban Giám hiệu điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ (Đã ký)

 


Vietnamese | English






 
 
Vui lòng chờ...