Page 34 - Bản tin Đại học Cần Thơ - Số 1 năm 2019
P. 34
GÓC SINH VIÊN
GÓC SINH VIÊN
Năm tôi bảy tuổi, cha chặt cái bập dừa cho tôi tập lội. Chiều chiều, khi bìm bịp kêu nước lớn đầy
sông, cả đám trẻ, mỗi đứa ôm một cái bập dừa cùng vùng vẫy, khuấy động một khúc sông quê. Có
nhiều lúc, tôi lỡ buông tay khỏi cái bập dừa, cứ tưởng rằng mình sẽ bị chìm xuống tận đáy sông,
gặp Long Vương và công chúa thủy tề như trong mấy câu chuyện cổ tích vẫn thường đọc. Khi đấy,
cha nhảy xuống sông, ẵm tôi lên bờ bằng đôi tay rắn chắc, trong khi tôi cố gắng khóc thật to vì sặc
nước. Sau này, khi đã biết lội, chúng tôi vẫn thường rủ nhau tắm sông, rồi lặn ngụp chơi trốn tìm.
Dù ở thời điểm nào đi chăng nữa, dòng sông quê vẫn là miền bình an nhất, trong trẻo nhất để tôi
tìm về và xóa đi bao mộng mị.
Người nhà quê dễ ăn, dễ ngủ. Ngoại trừ những ngày mưa ra đồng soi ếch, bắt cá rô, cá lóc, tôi
thường hay ra bờ sông cắm câu, nước ròng thì mò cua, bắt cá. “Thành quả” của những buổi như
thế là một giỏ đầy cá rô phi, cá bống cát và vài con tôm thẻ. Vậy mới thấy, sông quê luôn chứa
đựng sự hào phóng cho những ai siêng năng, chịu khó. Còn những ngày hè nóng nực, tôi xách
võng ra chỗ cây mắm to đùng ở mé sông, cột vào hai nhánh cây, rồi chìm vào giấc ngủ. Lá cây reo
xào xạc, cùng với những bông hoa li ti rơi xuống mặt sông, nhẹ nhàng như một bài thơ chậm nhịp.
Những ngày gió lên, thú vui của đám trẻ quê là kéo nhau đi thả diều. Một nhóm bên này bờ sông,
một nhóm bên kia bờ sông, nối nhau bởi chiếc cầu tre khúc khuỷu. Những cánh diều no gió chao
liệng giữa không trung, mang những ước mơ trẻ thơ chạy dài theo con sóng, với tiếng í ới gọi nhau
trên cuộc hành trình xa tít tắp. Trong thâm tâm mỗi con người, tình yêu quê hương đất nước luôn
thấp thoáng hình bóng của dòng sông thơ ấu:
“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ
Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát
Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”
(Trở về dòng sông tuổi thơ- Hoàng Hiệp)
Tôi xa quê học Đại học cũng đã gần 4 năm. Trong ngần ấy thời gian, quê hương tôi đã có nhiều
thay đổi tích cực, sẵn sàng bước vào đời sống mới: Đó là con đường trải nhựa hoặc đường bê
tông nối liền các xóm, các xã với nhau. Là những chiếc cầu xi măng kiên cố thay thế cho cầu
dừa, cầu tre thô sơ, gập ghềnh. Là sự xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà tường khang trang, ấm
cúng... Duy chỉ có một điều không bao giờ đổi thay, đó là dòng sông quê vẫn cứ trôi lặng lẽ và luôn
đóng một vai trò quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân.
Sau những tháng ngày học tập tại Trường ĐHCT, tôi đã học hỏi được nhiều điều quý giá như:
kiến thức chuyên môn, kỹ năng hoạt động Đoàn, công tác xã hội, hình thành cái nhìn biện chứng
trước các sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh mình... Và điều quan trọng nhất, tôi nhận ra giá trị
thực sự của đam mê và cống hiến. Đó không phải là hô vang và hứa hẹn, mà là không ngừng nỗ
lực học tập và lao động, góp phần làm cho đời sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Do đó, khi
bạn bè hỏi “Mục tiêu sau khi ra trường là gì?”, tôi không chần chừ mà tâm sự rằng, tôi sẽ thường
xuyên trở về quê hơn, bên gia đình, bên dòng sông hiền hòa, cũng như góp sức mình xây dựng
quê hương bằng những hành động đơn giản và thầm lặng nhất.
Chiều nay, trong khi ngồi đợi vào tiết học, bất chợt nhận ra cậu sinh viên bên cạnh tai mang
headphone, miệng hát lẩm nhẩm: “Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ đã đi về đâu để
mình tôi nhớ nhung bây giờ”. Tôi mỉm cười, thầm nghĩ giữa nhịp sống sôi động này, đâu chỉ có riêng
tôi hoài niệm về dòng sông của tuổi thơ, nghĩ về dòng sông ấy cũng chính là đang nuôi dưỡng một
giá trị sống tốt đẹp!
32
32 BẢN
BẢN TIN ĐẠI HỌC CẦN THƠTIN ĐẠI HỌC CẦN THƠ