Page 27 - Bản tin Đại học Cần Thơ - Số 2 năm 2020
P. 27
GÓC SINH VIÊN
4 năm – Quang gánh đời Cha…! GÓC SINH VIÊN
Trần Diệu My, Văn học 2, Khóa 43
ó lẽ sau ngần ấy năm, đây là lần đầu tiên tôi đặt bút viết về Cha của mình – một người đàn ông trầm
lặng, lúc nào cũng chất chứa trong lòng những suy tư và nỗi niềm riêng chẳng dễ gì mà chia sẻ với
Cai. Nhưng bạn biết không, ông ấy vẫn luôn yêu thương và đồng hành cùng con của mình theo một
cách thầm lặng nào đó.
Giờ đây, khi đã bước qua cái tuổi đôi mươi tôi mới nhận ra rằng dường như càng lớn chúng ta lại càng
yêu thương Cha Mẹ của mình nhiều hơn. Tôi đã không còn là con bé ngày trước suy nghĩ chưa đến chốn
cứ mãi cãi lời và oán trách họ nhiều hơn là thấu hiểu. Đừng hỏi vì sao và vì điều gì chỉ đơn giản là chúng ta
nhận ra rằng mình đã được ưu ái quá nhiều từ cuộc sống mà họ đã nỗ lực vẽ ra, còn họ thì cứ ngày một già
yếu đi, đôi tay đã run lên bầm bập mỗi khi trời trở gió vì những năm tháng cứ mãi hy sinh cho những điều
lớn lao và tốt đẹp.
Còn nhớ mấy năm về trước, cái ngày mới đặt chân lên thành phố học cũng là lần đầu tiên đi xa nhà mà
không có cha mẹ bên cạnh, đủ thứ chuyện phải tự lo, tối nào cha cũng gọi điện hỏi thăm, nhắc nhở con nhớ
ăn uống đầy đủ, sống một mình phải biết tự lo cho bản thân. Giờ mới hiểu những ngày tháng mong được
làm người lớn trước đây nó chẳng dễ chịu chút nào!
Rồi mỗi lần nói sắp được nghỉ về quê, mẹ bảo cha mày mấy hôm nay cứ trông ngóng rồi đi mua đủ thứ
món mà mày thích. Giữa cái trưa nắng ba mươi mấy độ nhìn từ xa là tôi đã thấy bóng cha đứng đợi. Cha
xoa đầu bảo: “Cái con bé này, nuôi hoài mà chẳng thấy nó lớn gì cả!”. Vậy đấy, dù sau này có lớn đến đâu
và trở thành ai đi chăng nữa thì tôi vẫn thèm cái cách mà cha quan tâm mình như thế.
Bạn có biết không? Là một người Cha nghĩa là phải luôn làm chủ những nỗi lo không đầu không cuối, lo
từ ngày đầu tiên đến tận giây phút cuối đời. Cha có thể mang đến cho con cả thế gian, không ai bắt cha phải
làm những điều đó trong ngần ấy năm của cuộc đời mình. Chỉ là cha đã chọn hy sinh vì con và vì cả gia đình
này… Cha cứ bảo nhà mình không mấy khá giả, cha mẹ cũng không thể bên con cả đời nên giờ cha chỉ có
thể cho con cái chữ, cái nghề để sau này con có thể tự lo cho bản thân. Chúng ta cứ mãi lo kiếm tìm tương
lai mà quên mất rằng mình cũng chính là tương lai của cha mẹ. Bốn năm đại học là khoảng thời gian tôi được
ngồi trên ghế nhà trường thì cũng là lúc cha mẹ đang phải oằn vai với những gánh hàng rong, là những lúc
chỉ ăn vội chiếc bánh mì hay gói xôi cho qua bữa, là những ngày cuối tháng, tôi thường thấy hình ảnh một
người đàn ông phải làm việc gấp đôi những ngày thường, phải chạy đôn chạy đáo kiếm sao cho đủ tiền để
kịp gửi lên cho con đóng nào là tiền học phí, tiền trọ, tiền sinh hoạt,…biết bao nhiêu thứ phải lo. Có ai đó
đã từng nói rằng tốc độ thành công của chúng ta nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của cha mẹ. Mỗi khi
nhìn thấy tóc mẹ đã điểm vài sợi bạc và đôi vai cha đã chai sờn đi vì những năm tháng vất vả, gian lao, tôi
lại không ngừng nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa và hơn hết tôi thật sự biết ơn vì sau
mỗi chặng đường mà tôi đang đi luôn có cha đồng hành và ánh mắt mẹ dõi theo phía sau!
“Cánh cò cõng nắng qua sông
Để con được sống trong lòng an yên
Dẫu cho năm tháng nhọc nhằn
Bao nhiêu khổ cực đã hằn lên vai
Chỉ mong con kịp thành tài
Để ba mẹ được sống dài với con
Dẫu cho đi khắp núi non
Chẳng đâu bằng ở…con đường về quê!”
25
BẢN 25
BẢN TIN ĐẠI HỌC CẦN THƠTIN ĐẠI HỌC CẦN THƠ